Mẹ Anh “phạt” con thế nào?
Dịp Tết cổ truyền, chị họ tôi đang định cư bên Anh đã đưa cả gia đình về thăm quê hương. 2 đứa con của chị, một đứa lên 5, một đứa lên 3 vì không quen với thời tiết, khí hậu mùa đông của Việt Nam nên cứ hắt hơi, sổ mũi. Chúng cứ bám mẹ riết đến nỗi chị chẳng làm được việc gì ngoài việc trông con. Có lúc, hai đứa nhỏ nhà chị khóc lóc, tranh nhau đồ chơi, rồi mè nheo. Nếu là tôi, tôi sẽ quất cho chiếc roi vào mông cho chúng khỏi khóc.
Thế nhưng, thật ngạc nhiên, khi hồi còn ở nhà, chị họ tôi “ăn to nói lớn” là thế, mà bây giờ chị lại nhỏ nhẹ đến lạ. Chị nhẹ nhàng, ôn tồn giải thích cho chúng rằng “con có muốn bạn B lấy đồ của con không?”… Không biết chị nói những gì mà tôi lại thấy 2 đứa trẻ lại tiếp tục vui vẻ chúng chơi đùa với nhau. Rồi chị bảo tôi: “Ở bên Anh, cha mẹ không được phép quát mắng hay đánh trẻ. Luật pháp Anh rất nghiêm ngặt. Họ cho đó là hành vi bạo hành trẻ. Sống ở đó 10 năm rồi, chị dần cũng thích nghi dần với luật pháp và lối sống của họ”.
Đòn roi sẽ phản tác dụng?
Theo các chuyên gia tâm lý, dùng roi vọt là cách đối xử không công bằng của người lớn đối với trẻ nhỏ. Vậy nhưng, phương pháp này vẫn được nhiều bậc phụ huynh áp dụng. Họ đâu biết rằng, nó thể hiện sự lạm dụng quyền uy, sự bất lực của những người làm cha mẹ trong giáo dục con cái. Quát mắng và đánh đập trẻ nhỏ không những vi phạm quyền trẻ em, mà còn làm tổn thương con trẻ cả về thể xác lẫn tinh thần.
“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, có phải vì thế mà nhiều bậc cha mẹ đã có những biểu hiện sai lầm trong cách thức dạy dỗ con cái. Họ cho rằng, dạy con cũng phải cần đến đòn roi thì chúng mới sợ. Họ suy luận từ bản thân, chẳng phải chính họ ngày xưa cũng được bố mẹ dạy bảo thế sao. Đòn đau nhớ đời, với quan niệm đó, nhiều bậc cha mẹ môi khi con mắc lỗi, dù lớn hay nhỏ họ đều dùng roi để răn đe. Chị Nga, nhà ở Gia Lâm cho biết, con trai chị luôn luôn quên vở bài tập đến nỗi cô giáo chủ nhiệm phải gọi điện cho chị. chiều đó, về nhà, chị bắt con nằm úp trên giường và đánh vào mông. Nhưng từ lần đó trở đi, chị để ý con cứ lầm lì, ít nói. Càng tức giận, chị càng đánh nhưng con chị vẫn cứ “chứng nào tật ấy”. Chị gần như bất lực vì không biết chọn phương pháp nào để răn dạy thằng bé.
Thực tế, theo các nhà tâm lý, đòn roi chỉ thể hiện sự một sự trấn áp của kẻ mạnh nhưng điều này sẽ phản tác dụng khi đứa trẻ cho rằng, điều này thể hiện quyền hành của cha mẹ. Chúng sẽ cảm thấy ấm ức, thậm chí âm thầm phản kháng. Vì vậy, khi con mắc lỗi, cha mẹ nên tỏ ra độ lượng, ân cần, chi ra những lỗi lầm của con. cách làm đó sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với những lời quát mắng và những trận đòn roi. Hãy dùng tình thương, sự bao dung để khuyên răn, dạy bảo con trẻ, giúp trẻ nhận ra cái sai mà sửa, đừng biến những trận đòn thành phương tiện để trút giận lên đầu con trẻ. Điều cần và thiết thực nhất đối với một đứa trẻ là tình thương và sự nghiêm khắc của cha mẹ khi dạy dỗ con.
Hãy dùng tình thương, sự bao dung để khuyên răn, dạy bảo con trẻ
Giáo sư Michael MacKenzie, người đứng đầu cuộc nghiên cứu về phương pháp giáo dục con cái cho biết: “hầu như đứa trẻ nào cũng đều bị đánh ở một vài thời điểm nào đó. Đó là do không có sự kết nối giữa cha mẹ và con cái.
Cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Columbia được thực hiện với sự tham gia của 1.900 trẻ em đến từ 20 thành phố của nước Mỹ. Các nhà nghiên cứu thu thập dự liệu về việc các bậc cha mẹ có đánh con mình hay không và mức độ thường xuyên như thế nào khi bé ở độ tuổi từ 3 – 5 tuổi. Các nhà nghiên cứu cũng ghi lại hành vi ngỗ nghịch của trẻ và thái độ của trẻ sau khi bị đánh. Số liệu thu được: có 57% các bà mẹ và 40% các ông bố cho biết, họ đã từng đánh con khi trẻ 3 tuổi. Tỉ lệ đó giảm xuống còn 52% các bà mẹ và 33% các ông bố đánh con ở tuổi lên 5. Điều đáng lo là, ở độ tuổi lên 5 trẻ trở nên hung hăng hơn và cư xử tồi hơn sau khi bị đánh.
Thực tế cho thấy, trẻ lớn lên trong đòn roi thường ngỗ ngược và thiếu vâng lời. Trong khi những đứa trẻ được yêu thương và dạy bảo với thái độ nghiêm khắc, đúng chỗ lại ngoan hơn nhiều. có rất nhiều người dạy con mà chưa một lần phải sử dụng đến đòn roi, nhưng con cái vẫn thấy sợ mỗi lần mắc lỗi. Điều đó thể hiện cái uy của cha mẹ với con cái. Roi vọt không đi cùng tình thương, sẽ chẳng bao giờ khiến trẻ nên người.
Nguồn: Sưu tầm