Một số phụ huynh sẽ có xu hướng cố gắng hết sức để nói lý lẽ, phân tích phải trái khi con ăn vạ. Nhưng dường như càng cố nói chuyện, con càng mất bình tĩnh, và dần dà bố mẹ cũng sẽ mất bình tĩnh theo. Vậy các sai lầm mà bố mẹ thường hay mắc khi xử lý cơn ăn vạ của con là gì?
Cố gắng phân tích, nói chuyện lí lẽ
Thay thế la mắng quát nạt bằng việc cố gắng phân tích đúng sai, phải trái với con: “Không sao cả, con bình tĩnh lại đi. Bây giờ con muốn sao con nói bố nghe xem?” hay “Con nín khóc đi, mình sẽ chơi tiếp nhé, đừng khóc nữa, con làm vậy là con đúng hay sai..” Nhưng dường như càng nói, con càng gào khóc to hơn.
Thực tế là trong lúc này, bộ não non nớt của con như một quả núi lửa phun trào những cảm xúc tiêu cực. Con không thể có khả năng trả lời những câu hỏi của người lớn, lại càng không thể suy nghĩ hay phân tích lí lẽ được. Bố mẹ càng nói nhiều và nói dông dài, con càng cảm thấy mình bị thách thức, hoặc là mục đích thu hút sự chú ý của con đã thành công.
Vậy, cách giải quyết đúng nên là: đánh lạc hướng của con vào việc khác nếu được; hoặc, chỉ cần ngồi bên con ở một nơi yên tĩnh và lâu lâu nói một, hai câu ngắn gọn: “Bố hiểu là con đang cảm thấy abc, xyz…”; “Mẹ sẽ chờ đến khi nào con khóc xong rồi mình tiếp tục nhé.” Đây là cách để thể hiện sự tôn trọng dành cho cảm xúc của con, và cho con thấy bố mẹ sẵn sàng dành mọi thời gian bên con khi con đang cảm thấy rất khó khăn và “khổ sở”.
Hãy để dành việc phân tích lí lẽ đúng sai để nói khi con đã bình tĩnh và vui vẻ trở lại.
Ban đầu cương quyết, sau đó chịu thua
Có không ít lần cơn ăn vạ của con dường như là quá sức và quá giới hạn chịu đựng của bố mẹ (hoặc ông bà). Và một đôi lần, vì muốn cho xong chuyện để con ngừng khóc quấy, người lớn chấp nhận “đầu hàng” và thoả mãn yêu sách của con.
Một lần, hai lần, vài lần.. con sẽ hiểu được là: “à, chỉ cần mình thật kiên trì khóc la thật lâu, là mình sẽ đạt được mục đích thôi.”
Nổi cơn thịnh nộ, thêm dầu vào lửa
Mục đích “tối thượng” của hành vi ăn vạ ở trẻ toddler là để tìm kiếm sự chú ý của người lớn, và để khẳng định “quyền lực” của con trong gia đình. Khi bố mẹ cũng dùng “quyền lực” để phản hồi lại con, thì cuộc chiến tranh giành quyền lực này sẽ lên cao trào dần, cho đến khi cả 2 bên mất bình tĩnh và bố mẹ bắt đầu sử dụng sức mạnh để đàn áp.
Khi đó con sẽ hiểu rằng, ăn vạ là một cách vô cùng hiệu quả để khiến bố mẹ mất bình tĩnh, thay đổi tâm trạng và dồn mọi chú ý (dù là tiêu cực) đến mình
Nguồn: Sưu tầm