Đối với lứa tuổi mầm non, hành vi và nhận thức của trẻ giống như tờ giấy trắng. Khi gieo lên đó những mầm nhân cách nào thì nó sẽ hình thành thói quen đó cho trẻ sau này, muốn trẻ hình thành được thói quen tích cực cần phải thông qua trải nghiệm và thích nghi. Nếu cha mẹ bao bọc, không cho phép trẻ có môi trường trải nghiệm thì làm sao trẻ có thể hình thành được thói quen tích cực cho bản thân ? Do đó, dạy kỹ năng sống ở nhà cho trẻ ngay từ bé là một điều rất cần thiết. Khi rèn luyện kỹ năng sống ở nhà cho trẻ, cha mẹ cần tìm hiểu thêm về các nhóm kỹ năng để có thể tạo điều kiện giúp trẻ trau dồi, phát triển tốt nhất.
🎯 Kỹ năng tự phục vụ bản thân
Việc cho trẻ sớm tham gia vào những công việc lao động phù hợp: cho bé tự ăn, tự rửa tay, tự đánh răng, tự đi ngủ, tự sắp xếp đồ đạc, … là rất quan trọng.
Chẳng hạn như sau khi trẻ đã được 1 tuổi, ngồi vững và biết cầm nắm, bố mẹ nên tạo cơ hội để trẻ tự xúc thức ăn; biết ăn được cái gì, không ăn được cái gì; hay nhắc nhở trẻ sau khi chơi thì xếp đồ chơi lại, quần áo mặc xong không vứt lung tung,…Khi giúp trẻ xây dựng kỹ năng này, cha mẹ hãy để bé tự làm và mình chỉ là người hướng dẫn. Qua những việc làm tự phục vụ bản thân đó, trẻ mới hiểu rõ được giá trị của lao động và thông cảm, biết giúp đỡ ông bà, cha mẹ; đây cũng là tiền đề để đảm bảo cuộc sống độc lập của trẻ sau này.
🎯 Kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân mình trước những nguy hiểm, cha mẹ cần giúp trẻ hình thành thói quen và kỹ năng bảo vệ bản thân cơ bản nhất như: kỹ năng an toàn khi tự chơi, kỹ năng tránh bị xâm hại cơ thể,…
Bố mẹ nên dạy trẻ khu vực nào, đồ vật, tình huống nào là nguy hiểm nên tránh xa. Việc rèn luyện trau dồi những kỹ năng quan trọng này cho con sẽ là hành trang quan trọng giúp trẻ tự tin và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống phức tạp như ngày nay.
🎯 Kỹ năng giao tiếp
Cha mẹ hãy yêu cầu trẻ chủ động nói lên điều mình muốn, đừng đoán ý rồi làm giúp con. Trước tiên, cha mẹ hãy nói lên mong muốn của mình. Ví dụ như “Mẹ muốn uống nước” sau đó mẹ đi lấy nước uống hoặc nhờ con “lấy cho mẹ ly nước”.
Trẻ sẽ dần hiểu được là muốn gì thì phải nói ra. Nếu trẻ mè nheo để đợi cha mẹ làm giúp điều gì đó thì cha mẹ hãy kiên quyết không giúp đỡ. Hoặc cùng con tập một vở kịch với tất cả thành viên trong gia đình để trẻ nâng cao khả năng nói và thể hiện mình trước đám đông. Cha mẹ sẽ thấy con tiến bộ thế nào khi giao tiếp với những người xung quanh.
🎯 Kỹ năng định hướng không gian
Việc nhận thức và định hướng không gian đang diễn ra hàng ngày ở mỗi trẻ. Đó là việc hình dung xem mỗi vật thể phù hợp với không gian nào. Nếu là con trai, cha mẹ hãy mua cho trẻ các loại đồ chơi như lego để các bé có thể lắp ghép thành nhà cao tầng, ô tô, xe lửa, phi thuyền,…
Đây chính là một kỹ năng định hướng không gian. Trẻ biết cái gì phù hợp với chỗ nào, cần phải sắp xếp các mảnh ghép ra sao. Với bé gái, cha mẹ có thể đưa trẻ đến những khu vui chơi chuyên biệt về xây dựng tòa lâu đài hay lắp ghép những căn phòng công chúa. Ngoài ra, cha mẹ có thể tái sử dụng những lon bia, lõi giấy vệ sinh để tạo thành đồ chơi có cấu trúc.
🌟 Dạy cho trẻ kỹ năng sống là rất cần thiết vì nhân cách của con do cha mẹ xây lên, viết lên từ những viên gạch nhỏ thành một “thành trì” vững chắc, bền vững theo thời gian chứ không phải là thói quen tạm thời.
Nguồn: Sưu tầm