Trẻ càng lớn sẽ càng có những tính cách riêng mà cha mẹ khó có thể kiểm soát hết được. Bên cạnh những lúc con đáng yêu thì không thể thiếu những khi con không làm chủ được cảm xúc và hành vi của mình. Và đôi lúc chúng ta phải áp dụng những hình thức kỉ luật để con nhận ra những lỗi sai của mình. Nhưng kỉ luật con như thế nào để con có thể nhận lỗi mà không ảnh hưởng đến cảm xúc con một cách tiêu cực là một vấn đề vô cùng khó khăn với các cha mẹ. Cha mẹ tham khảo một số hình thức kỉ luật thông minh mà hiệu quả áp dụng vào các trường hợp cụ thể ngay sau đây nhé.
1️⃣ Nếu con thường bày bừa ra nhà, cha mẹ có thể lấy một chiếc hộp, dán nhãn “ngày mưa” và đặt đồ chơi con không chịu dọn vào trong đó, chỉ ngày mưa con mới có quyền lấy ra chơi. Điều này còn giúp cho những món đồ cũ trở nên mới lạ hơn, đồng thời giúp con luôn nhớ về món đồ chơi đó và tự điều chỉnh hành vi
2️⃣ Khi trẻ quên cất đồ chơi hay một vật dụng gì đó, cha mẹ hãy mang đi cất giùm nhưng không chỉ chỗ. Muốn biết đồ đó ở đâu, con sẽ phải tự đi tìm. Việc này khiến trẻ cảm nhận được sự rắc rối của việc phải đi tìm đồ và sẽ hình thành ý thức tự cất đồ cho bé.
3️⃣ Nếu anh chị em trong nhà thường xuyên căng thẳng với nhau, cha mẹ hãy thử bày trò chơi rằng cả hai phải cùng chui vào một chiếc áo phông cỡ đại trong một khoảng thời gian nhất định. Khi muốn làm gì đó, chúng sẽ phải làm cùng nhau và các bé học được cách phối hợp hiệu quả hơn.
4️⃣ Cha mẹ hãy tạo cho trẻ một nơi để suy nghĩ khi trẻ thường xuyên quấy khóc, ăn vạ hay đánh người khác. Cha mẹ có thể chuẩn bị một bộ bàn ghế nhỏ và nói trẻ ngồi vào bàn. Đừng vội la mắng trẻ mà kiên nhẫn hỏi tại sao trẻ lại làm như vậy. Sau đó cho trẻ biết làm như vậy là sai và dạy trẻ cách xử lý tình huống phù hợp.
5️⃣ Nếu con thích vẽ, viết lên tường nhà hoặc sàn nhà, hãy kỉ luật trẻ bằng cách cho trẻ làm việc nhà. Khi đó con sẽ hiểu rằng con cần có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung trong nhà cùng với tất cả mọi người. Và sau khi lau chùi, hãy hỏi về cảm nhận của trẻ, cho trẻ biết vì sao trẻ bị kỉ luật như vậy.
6️⃣ Cha mẹ có thể cho bé thực hiện việc vẽ tranh khi bé quá hiếu động và không kiểm soát được cảm xúc của mình. Thời gian hoàn thiện những bức tranh đầy màu sắc sẽ giúp bé bình tĩnh lại, động thời kích thích khả năng sáng tạo của bé.
Tùy theo mỗi tình huống mà cha mẹ sẽ có những hình thức kỉ luật khác nhau cho bé. Cha mẹ chú ý cần phải kiểm soát tinh thần của mình, không được quá nóng giận với trẻ hay nói những lời nặng nề khiến tổn thương trẻ. Quan trọng nhất, sau khi kỉ luật con, cha mẹ cần phải an ủi để trẻ thấy rằng cha mẹ luôn là người yêu thương con nhất.
Nguồn: Sưu tầm