Nếu Không Được Yêu Thương, Trẻ Sẽ Như Thế Nào?

Nếu Không Được Yêu Thương, Trẻ Sẽ Như Thế Nào? - Trường Mầm Non STEAM KIDS

Không được yêu thương, trẻ sẽ như thế nào?

Nếu thử làm một cuộc thăm dò dành cho các bậc cha mẹ ở nhiều độ tuổi, nhiều thành phần, nghề nghiệp khác nhau với một câu hỏi chung rằng “Quý vị có thương con mình không?”, chắc  chắn sẽ có 100% trả lời rằng “có” và có thể người hỏi còn bị… cự vì một câu hỏi vô duyên và có phần xúc phạm!

Vì thế có lần tôi chỉ dám hỏi thử một nhóm trẻ, ở nhiều độ tuổi, riêng từng em một với cùng một câu “Ba mẹ có thương cháu không?”. Thật ngạc nhiên, những câu trả lời với nhiều cấp độ,  nhiều ngữ điệu và nội dung rất khác nhau. Có em cao giọng nói “Có” một cách chắc chắn, vui vẻ, tự tin. Nhưng cũng có em ngập ngừng “Chắc là có”. Có em hoang mang “Con không biết nữa!”. Và cũng có em dằn dỗi rằng “Không”, có em nói với giọng chùng xuống “Ba (hay mẹ, hoặc ba mẹ)… ghét con lắm!”…

Nhiều khi ngay trong một gia đình nguyên vẹn, chung cha chung mẹ vẫn có người con thấy mình ít được thương yêu bằng anh, chị hay em mình, thậm chí bị hắt hủi và nỗi ám ảnh ấy nhiều khi đeo bám họ suốt đời. Thời còn học trung học, tôi hay qua lại chơi với hai chị em ruột cùng lứa ở gần nhà. Hai chị em ấy học chỉ cách nhau một lớp, cha của họ là một nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín ở địa phương. Cô chị được mọi người yêu mến vì xinh xắn, hiền hòa, nhí nhảnh, có đôi mắt trong veo, dễ hòa đồng… Còn cô em tuy học giỏi hơn nhưng tính tình lại ương bướng, luôn mặc cảm cha mẹ không thương bằng chị vì cho rằng mình xấu xí nên cô thường tỏ ra hung dữ, có phần đanh đá. Cô em ấy sau này lớn lên tuy học hành thành công nhưng cách cư xử của cô với bạn bè, với chồng và nhà chồng cùng con cái cũng luôn mang tính dằn dỗi, cay độc của một người không biết cách thương yêu lẫn không tin rằng mình được thương yêu.
Có một thanh niên lớn lên ở Hà Nội, lúc còn nhỏ từng là một cậu bé thông minh, nhạy cảm, còn bố của cậu là một người đàn ông khoa bảng nhưng rất khắc nghiệt, hành xử với con vô cùng hung hiểm. Khi cậu làm điều gì không vừa ý ông có thể ném chú mèo cưng của cậu ra đường cho xe cán hay xô đổ bể cá vàng của cậu rồi lấy chân dẫm nát cá, kể cả bạo hành với mẹ cậu… Lớn lên cậu học giỏi, ra nước ngoài du học rồi đi làm nhưng cậu mắc chứng trầm cảm, không dám yêu đương, không dám lấy vợ có con vì luôn bị ám ảnh rằng rồi mình sẽ bạo hành với vợ con giống như bố!

Cách đây khá lâu ở nước Nga có một vụ án, một bi kịch gia đình làm choáng váng dư luận.  Đó là một cậu bé khoảng 12 tuổi, con của một gia đình giàu có nổi tiếng, câu bé đã giết cả cha lẫn mẹ của mình. Sau đó các nhà tâm lý phân tích rằng hai nạn nhân ấy là những bậc cha mẹ rất ích kỷ, họ chỉ biết kiếm tiền và hưởng thụ cho bản thân mà quên lãng đứa con. Không được yêu thương là một điều nhục nhã với cậu bé ấy và cậu đã ra tay… Theo quan niệm dân gian của Việt Nam, những thai nhi bị giết trong bụng mẹ cũng trở thành những oan hồn đầy thù hận vì không được cha mẹ yêu thương, đón nhận. Có thể nói một đứa trẻ không được yêu thương khi lớn lên sẽ khó tìm thấy niềm vui và hạnh phúc quanh mình. Họ không được “cấp vốn” yêu thương từ nhỏ nên trái tim cũng dễ rơi vào cảnh nghèo khó, có khi là tội phạm.

Thật ra cũng có trường hợp ngược lại, có người lớn lên từ một tuổi thơ bất hạnh, thiếu vắng yêu thương khiến họ càng khao khát, luôn ước mơ về một tổ ấm, cố gắng bù đắp, không để cho con cái phải chịu cảnh thiếu thốn tình cảm như mình. Như chị B.An ở quận 3-TP.Hồ Chí Minh bị thiếu cha hụt mẹ từ nhỏ vì ba mẹ chị sau khi chia tay rồi ai lo phần nấy, giao chị cho bà nội nuôi. Nhờ nỗ lực học hành, bây giờ chị thành đạt và có được một gia đình hạnh phúc. Chị yêu thương con rất mực, mà theo chị gọi là “thương bù” hay “thương… trả thù” cũng đều đúng. Dù rất hài lòng với những gì gây dựng được, chị vẫn luôn đau đáu tự hỏi “Sao mình thương con như thế mà ngày xưa ba mẹ lại không thương mình?”.

Nếu Không Được Yêu Thương, Trẻ Sẽ Như Thế Nào? - Trường Mầm Non STEAM KIDS

Không khó phân biệt một đứa trẻ được yêu thương hay không. Một đứa trẻ được yêu thương, được nâng niu tôn trọng hay không, đó là khi ta quan sát thấy chúng có vui vẻ, hồn nhiên, tự tin và thân thiện với mọi người hay không. Còn khi nhìn thấy một đứa trẻ nhút nhát, hay sợ hãi, có nét mặt u buồn, hay tấn công người khác… thì đó chắc chắn là một đứa trẻ không được yêu thương đầy đủ hoặc có vấn đề về thần kinh, tâm lý. Trẻ con không biết đóng kịch; lớn lên trong cảnh giàu sang mà không được mẹ cha ấp yêu trẻ cũng ngơ ngác, bơ vơ, sầu khổ. Vì nhu cầu lớn nhất của trẻ chính là được thương yêu.

Hầu hết bậc cha mẹ nào cũng yêu thương con nhưng trẻ có nhận biết và tiếp nhận tình yêu thương ấy hay không là cả một vấn đề. Chẳng hạn khi cha mẹ quá kín đáo, hiếm khi biểu lộ sự trìu mến, âu yếm khiến trẻ hiểu lầm rằng họ không thương chúng. Cũng có người nghiêm khắc quá, trái tim họ như có một “bức màn sắt” che khuất khiến trẻ không nhìn thấy. Có người yêu con nhưng không bao giờ khen ngợi, khích lệ và hay dùng “liệu pháp sốc” như chê bai, đánh mắng để trẻ cứng cáp, mạnh mẽ hơn. Có người cố làm thật nhiều tiền để đáp ứng mọi nhu cầu của con nhưng lại không dành thì giờ để gần gũi “kết nối yêu thương” nên trẻ vẫn thấy lạc lõng. Có những bậc cha mẹ cư xử nói năng thiếu tế nhị, hay tỏ ra không công bình, phân biệt đối xử giữa đứa con này với đứa con kia cũng khiến trẻ bất mãn hay thu mình lại để phản kháng…

Những đứa con ngoại hôn cũng chịu nhiều đau đớn, khi lớn lên không biết cha mình là ai hoặc bị cả cha lẫn mẹ bỏ rơi, họ hàng nội ngoại không niềm nở đón nhận, chúng sẽ hiểu rằng sự ra đời của chúng là kết quả của lỗi lầm chứ không được kết tinh bằng tình yêu.

Nhưng trẻ cảm thấy đau đớn nhất, cảm thấy bị “phản bội” nặng nề đó là khi cha mẹ ly hôn. Nhất là sau đó họ tiếp tục gây gổ, tố cáo nhau và rồi khi mỗi người tìm hạnh phúc riêng, họ xem đứa con chung như một “cục nợ” cố trút cho người kia mà rảnh tay vun đắp cho hạnh phúc mới. Niềm tin vào tình thương ở cha mẹ cũng bị xói mòn nghiêm trọng nếu trẻ biết cha hoặc mẹ ngoại tình. Đó là một đòn chí mạng giáng vào tâm hồn non nớt của con trẻ, có thể làm trẻ gục ngã. Không hiếm trẻ đã nổi loạn, bỏ nhà đi bụi và tự làm hư hỏng mình như bỏ học, tham gia những chuyện tiêu cực như hút chích, trộm cướp, yêu cuồng sống vội, buông thả, có hành vi độc ác… như một cách trả thù những người cha, người mẹ đã “phản bội” chúng.

Cho nên quyền đầu tiên của trẻ là quyền được có cha, có mẹ, sự xuất hiện của chúng được mọi người chung quanh đón đợi, mừng vui. Quyền kế tiếp là được thương yêu, phải được thương từ khi thai nghén trong lòng; trẻ sẽ đau khổ, mang mặc cảm tự ti khi biết mình là đứa con ngoài ý muốn. Con trẻ chính là ân huệ của cuộc sống, là hạnh phúc không gì sánh được của những bậc cha mẹ. Cần thương yêu giúp trẻ đứng lên những lúc bị suy sụp, vấp ngã; cảm hóa khi trẻ hư hỏng, lạc đường; tiếp sức khi trẻ ốm đau, yếu đuối… Có thể nói rằng chỉ có thương yêu một cách tràn đầy và lành mạnh thì mới giúp trẻ nên người một cách trọn vẹn, được sống trong niềm hân hoan và vinh quang của một Con Người.

Nguồn: Sưu tầm

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon